close menu

Bạn có biết hết 9 loài Lan Hồ Điệp tuyệt đẹp này?

Lan Hồ Điệp không phải chỉ có một loại duy nhất. Trên thực tế, Lan Hồ Điệp là một trong những chi hoa Lan “đông đúc” nhất trong gia đình họ Lan với hơn 70 loại Lan Hồ Điệp đẹp tuyệt vời khác nhau. Chính vì thế, đây cũng là chi hoa Lan phổ biến nhất trong thương mại và ngày càng được ưa chuộng bởi vẻ đẹp kiêu sa của nó.

Vùng sinh trưởng của chi Lan Hồ Điệp (Phalaenopsis) trải dài từ Đông Bắc Ấn Độ qua phía Đông dãy Himalaya, đến tận Myanmar, quần đảo Andaman, Malaya, Indonesia, Borneo, Moluccas, quần đảo Philippine, và dĩ nhiên – cũng được yêu thích tại Việt Nam.

Cho đến ngày nay, nếu chỉ tính riêng Lan Hồ Điệp thuần chủng và loài lai tự nhiên thì có khoảng hơn 70 loài. Các loài Lan Hồ Điệp lai nhân tạo được chính thức ghi nhận đang ở mức gần 60 loài, và vẫn tiếp tục phát triển cực kỳ mạnh mẽ do nhu cầu thương mại ngày càng cao. Hãy cùng “điểm mặt” 9 loài Lan Hồ Điệp đẹp thuần chủng – gốc gác ra đời của các loài lai tạo ngày nay!

Phalaenopsis Amabilis

Bạn có biết hết 9 loài Lan Hồ Điệp tuyệt đẹp này?
Lan Hồ Điệp Phalaenopsis Amabilis. Hình: BAB Orchids.

Là loài Lan Hồ Điệp đầu tiên được ghi nhận và khai sinh ra chi Lan Hồ Điệp, Phalaenopsis Amabilis sinh trưởng chủ yếu từ Sumatra, Java đến miền nam Philippines, New Guinea và Queensland. Hầu hết các loài Lan Hồ Điệp đẹp được lai tạo đều có sự phối giống với Phalaenopsis Amabilis vì những ưu điểm vượt trội về vẻ đẹp và đặc tính của nó.

Cành hoa Phalaenopsis Amabilis nhiều và dày, bông hoa to và dài từ 7 – 10cm, cánh hoa màu trắng muốt, đầu hoa tròn, có hình bán nguyệt ở mặt lưng. Môi có 3 thùy, thùy bên cong vào trong và có màu vàng với những đốm đỏ lạ mắt. Quan trọng hơn nữa, đây là loài Lan Hồ Điệp mạnh mẽ, dễ thích nghi nên tương đối dễ chăm sóc; có thân ngắn vừa phải – lại mang vẻ đẹp tinh khiết, quyến rũ – là lựa chọn lý tưởng cho các mẫu thiết kế Lan Hồ Điệp đẹp tuyệt.

Phalaenopsis Aphrodite

Bạn có biết hết 9 loài Lan Hồ Điệp tuyệt đẹp này?
Lan Hồ Điệp Phalaenopsis Aphrodite. Hình: sưu tầm.

Mang tên của vị Nữ thần Hy Lạp tượng trưng cho sắc đẹp, tình yêu, niềm vui và sự sinh sôi, loài Lan Hồ Điệp rất phổ biến ở phía Bắc Philippines và Đông Nam Đài Loan này sở hữu vẻ đẹp cuốn hút đầy tinh tế. Tuy lúc mới phát hiện ra, loài Lan này đã bị nhầm lẫn với người chị em Phalaenopsis Amabilis, nhưng “nhan sắc” khác biệt và hiếm thấy của Phalaenopsis Aphrodite đã được các nhà khoa học ghi nhận và hoàn toàn chinh phục được trái tim những người yêu hoa Lan Hồ Điệp.

Phalaenopsis Aphrodite có cành hoa dày và nhiều hoa, hoa nhỏ hơn Phalaenopsis Amabilis một chút, cánh hoa màu trắng muốt với hình dáng thuôn dài kiều diễm. Môi hoa có 3 thùy phớt tím và vàng nhẹ nhàng, thanh thoát. Thường nở hoa vào mùa thu và đông.

Phalaenopsis Sanderiana

Bạn có biết hết 9 loài Lan Hồ Điệp tuyệt đẹp này?
Lan Hồ Điệp Phalaenopsis Sanderiana. Hình: sưu tầm.

Loài Lan Hồ Điệp khá đặc trưng của Philipines với màu hồng phớt đáng yêu. Có các giả thuyết khác nhau về nguồn gốc của Phalaenopsis Sanderiana rằng đây là một hình dạng khác của Phalaenopsis Aphrodite hoặc là một loài lai tự nhiên giữa Phalaenopsis Aphrodite và Phalaenopsis Schilleriana. Dù vậy, các nhà khoa học hiện đại đã thống nhất đây là một loài Lan Hồ Điệp độc lập với các đặc tính riêng của nó. Phalaenopsis Sanderiana có hoa nhỏ hơn Aphrodite, gốc hoa màu trắng chuyển sắc sang hồng trên khắp cánh hoa. Môi hoa có 3 thùy, điểm xuyết đốm màu vàng tím. Loài này có xu hướng nở hoa trái mùa, thường vào giữa đến cuối hè.

Phalaenopsis Pulcherrima

Bạn có biết hết 9 loài Lan Hồ Điệp tuyệt đẹp này?
Lan Hồ Điệp Phalaenopsis Pulcherrima. Hình: sưu tầm.

Mặc dù phổ biến rộng rãi từ Ấn Độ đến Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Sabah, Phalaenopsis Pulcherrima cũng không tránh khỏi số phận “nhập nhằng” với chi Doritis ở thời điểm mới được phát hiện ra vào năm 1883. Mãi cho đến năm 1933, J.J.Smith mới trả Pulcherrima về với chi Lan Hồ Điệp Phalaenopsis và giữ lại một phần tên gốc để trở thành Phalaenopsis Pulcherrima ngày nay.

Sự “nhập nhằng” là khó tránh khỏi bởi Phalaenopsis Pulcherrima thực sự có những khác biệt điển hình so với các loài khác thuộc chi Lan Hồ Điệp. Hình dáng cánh hoa thon dài, chuyển sắc từ màu trắng đến màu tím thạch anh và nhìn kỹ sẽ thấy có ánh xạ. Môi có 3 thùy, thùy bên tròn và dựng lên, có các màu khác nhau từ tím đậm đến tím hoa cà hoặc thậm chí đỏ cam, đỏ nâu. Thùy giữa màu tím đậm, thuôn và nhọn. Hai râu rộng ở gốc môi thay vì ở đỉnh cùng với độ sâu của môi chính là khác biệt đã dẫn đến giả thuyết đây là một loài khác và làm nên sự hấp dẫn kỳ lạ của loài Lan Hồ Điệp Phalaenopsis Pulcherrima trong bộ sưu tập của người yêu Lan.

Phalaenopsis Buyssoniana

Bạn có biết hết 9 loài Lan Hồ Điệp tuyệt đẹp này?
Lan Hồ Điệp Phalaenopsis Buyssoniana. Hình: sưu tầm.

Dễ tìm thấy ở Thái Lan và khu vực Đông Dương. Phalaenopsis Buyssoniana thường bị gán ghép vào Phalaenopsis Pulcherrima. Mặc dù các nhà khoa học đã chứng minh hai loài này có sự chênh lệch về nhiễm sắc thể, nhưng một số giả thuyết vẫn cho rằng Buyssoniana chỉ là một biến thể tứ bộ tự phát của Pulcherrima. Tuy nhiên, nếu nhìn vào hình dáng và màu sắc của cánh hoa, rõ ràng đây là một loài khác hẳn với màu hồng nhạt và rất ít sự chuyển sắc và thay đổi về cường độ màu.

Phalaenopsis Equestris

Bạn có biết hết 9 loài Lan Hồ Điệp tuyệt đẹp này?
Lan Hồ Điệp Phalaenopsis Equestris. Hình: sưu tầm.

Là một trong những loài Lan Hồ Điệp phổ biến nhất ở Philippines và Đài Loan, tên gọi Phalaenopsis Equestris cũng “lận đận” không kém các chị em của nó. Năm 1844, Schauer đã phát hiện ra và mô tả loài hoa này với tên Stauroglottis Equestris, nhưng đến khi đưa vào nuôi trồng 1 năm sau đó, Lindley lại gọi nó là Phalaenopsis Rosea. Mặc dù Reichenbach đã hiệu chỉnh chính thức thành Phalaenopsis Equestris vào năm 1849, người ta vẫn thường nhầm lẫn 2 tên gọi này cho đến tận ngày nay.

Hoa Lan Hồ Điệp Phalaenopsis Equestris có bông hoa dài tối đa đến khoảng 4cm với cánh hoa xòe rộng, thuôn dài và hơi nhọn ở đầu cánh hoa. Màu hoa rất đặc trưng với phần màu tím ở giữa và viền trắng ở xung quanh. Môi ba thùy, màu tím nhạt với những vệt màu tím đậm hơn và mào hai thùy màu vàng sáng có đốm đỏ. Là một loài Lan Hồ Điệp đẹp lạ, lại còn nở hoa quanh năm, Phalaenopsis Equestris luôn nằm trong danh sách những loài hoa được tìm kiếm và yêu thích.

Phalaenopsis Schilleriana

Bạn có biết hết 9 loài Lan Hồ Điệp tuyệt đẹp này?

Ngay từ lần đầu tiên “ra mắt” công chúng vào năm 1858, loài Lan Hồ Điệp đặc hữu của Philippines đã chinh phục giới mộ điệu nhờ sự quyến rũ khó cưỡng của nó. Cành hoa dài và nở hoa dày với những bông hoa xinh đẹp dài từ 7 – 9cm, chuyển sắc hoàn hảo giữa hồng – tím – trắng tạo nên vẻ đẹp tươi sáng, rạng rỡ, mà vẫn không kém phần sang trọng, tinh tế. Cánh hoa trên hình bầu dục thuôn dài, 2 cánh hoa bên rộng gấp đôi tựa cánh bướm đang chấp chới đậu trên cành. Thường ra hoa vào mùa đông và mùa xuân. Đây cũng là một trong những loài Lan Hồ Điệp đẹp được sử dụng rộng rãi trong các loài lai tạo.

Phalaenopsis Lindenii

Bạn có biết hết 9 loài Lan Hồ Điệp tuyệt đẹp này?
Lan Hồ Điệp Phalaenopsis Lindenii. Hình: sưu tầm.

Một loài Lan Hồ Điệp đặc hữu khác đến từ Philippines được phát hiện vào năm 1895. Cấu trúc cánh hoa của Phalaenopsis Lindenii khá giống với Phalaenopsis Equestris nhưng lớn hơn một chút, có màu hồng nhạt với các sọc hồng đậm ngả tím, tạo nên điểm nhấn khác biệt và bắt mắt. Phalaenopsis Lindenii từng bị coi là con lai tự nhiên giữa Phalaenopsis Equestris và Phalaenopsis Schilleriana nhưng hiện tại đã được chính thức công nhận là một loài riêng. Thường ra hoa từ tháng 3 đến tháng 8, đây là loài Lan Hồ Điệp có thời gian ra hoa khá dành và sinh trưởng tốt hơn trong nhiệt độ hơi lạnh hơn so với hầu hết các loài Lan Hồ Điệp khác.

Phalaenopsis Stuartiana

Bạn có biết hết 9 loài Lan Hồ Điệp tuyệt đẹp này?
Lan Hồ Điệp Phalaenopsis Stuartiana. Hình: sưu tầm.

Loài đặc hữu được Boxall phát hiện trên đảo Mindanao, Philippines vào năm 1881. Kích thước hoa khác nhau từ 3.5 – 7.5cm. Cánh hoa chủ yếu là màu trắng, có pha chút vàng nhạt ở phần nửa dưới của các cánh bên. Điểm độc đáo nhất của loài Lan Hồ Điệp này là các đốm tím to nhỏ khác nhau điểm xuyết trên tất cả các cánh hoa với cấu trúc đẹp mắt. Môi có ba thùy màu vàng với các đốm tím đỏ, các thùy bên của môi có hình thuôn dài, thùy giữa gần như hình thoi với hai thùy giống như mỏ neo ở đỉnh. Phalaenopsis Stuartiana là một loài Lan Hồ Điệp rất đa dạng với nhiều giống lai tạo khác nhau và được đặt tên chủ yếu dựa trên cấu trúc và màu sắc của đốm trên cánh hoa.

CHIA SẺ BÀI VIẾT:

Mẫu Lan Hồ Điệp ưa chuộng

XEM THÊM SẢN PHẨM